Đánh giá laptop Asus Zenbook 15 UX533: Thân hình cánh ve, hiệu năng bò húc
Nếu như người dùng vẫn thường nghĩ thiết kế thân máy tỉ lệ nghịch với hiệu năng thì chiếc laptop Asus Zenbook 15 UX533 sẽ khiến bạn có cái nhìn mới về dòng laptop mỏng nhẹ.
-
Đánh giá laptop Acer Swift 7: Hy sinh hiệu năng đổi lấy thân hình siêu mỏng cánh
-
Đánh giá laptop Asus Zenbook 14 UM431: Hiệu suất cao trong lớp vỏ tuyệt vời
-
Đánh giá laptop Asus ZenBook Pro UX501: laptop 4K đầy sức mạnh
-
Đánh giá chi tiết laptop Asus Zenbook UX330UA
Màn hình mỏng hơn, hiển thị đẹp hơn
Ra mắt thị trường Việt cuối năm 2018, chiếc laptop này là ‘anh cả’ trong dòng Zenbook mới nhất của Asus bởi nó sở hữu kích thước màn hình lớn nhất – 15.6 inch. Kích thước này có thể nói là tiêu chuẩn dành cho những ai vừa muốn có trải nghiệm xem phim, lướt web đã mắt vừa đáp ứng tốt công việc.
Một điểm cộng khác nữa dành cho màn hình của Zenbook 15 UX533 là nó được thiết kế viền siêu mỏng với độ dày lần lượt là 6.4 x 3 x 4.5 mm (viền trên, viền hai cạnh bên, viền dưới) và được Asus áp dụng công nghệ thiết kế NanoEdge, công nghệ này vốn chỉ xuất hiện trên các dòng laptop tầm trung và cận cao cấp mà thôi. Nếu bạn đang dùng một chiếc laptop 15,6-inch thông thường, và sau khi dùng chiếc UX533 chỉ 1 ngày thôi thì mình dám tự tin khẳng định rằng sự khác biệt mang lại là rất lớn, vô cùng ức chế với viền màn hình dầy cộm và chật chội.
Ngoài ra, điểm cộng nhỏ khác chính là webcam vẫn được bố trí ở cạnh viền trên chứ không bị lược bỏ hoặc đặt xuống cạnh viền dưới màn hình. Một trang bị khác cũng giúp Zenbook tiếp cận được những đối tượng là doanh nhân chính là nhận diện gương mặt để mở khóa máy. Cơ chế bảo mật kết hợp với Windows Hello mặc định trên Windows 10 này giúp dữ liệu cá nhân bên trong máy an toàn cũng như thuận tiện và nhanh chóng hơn so với thao tác nhập mật khẩu bằng bàn phím truyền thống.
Nói về màn hình thì cũng không thể không nói đến chất lượng hiển thị, và UX533 khiến mình hài lòng khi dùng những tác vụ như chỉnh sửa ảnh bằng Photoshop hay biên tập video bằng Premier Pro. Tất nhiên, độ chính xác về màu sắc sẽ không thể hoàn toàn tuyệt đối nếu bạn có so sánh với các mẫu laptop cao cấp hay màn hình chuyên dụng cho dân đồ họa, nhưng để đáp ứng nhu cầu không quá chuyên nghiệp thì màn hình trên Zenbook là quá đủ.
Độ sáng màn hình cũng khá cao khi mình ngồi ngoài trời làm việc trong một quán café đầy nắng và không có mái che, một phần là do toàn bộ màn hình được bảo vệ bằng tấm kính cường lực thay vì phủ lớp chống chói nên việc nhìn nội dung có đôi chút ảnh hưởng.
Về các thông số kĩ thuật cơ bản và khô khan, màn hình trên UX533 có độ phân giải FullHD và có thêm tùy chọn 4K, tấm nền IPS cho góc nhìn rộng 178 độ.
Hoàn thiện cứng cáp hơn, tính di động tốt
Không chỉ mang lại hiệu ứng thị giác tốt, thiết kế viền màn hình siêu mỏng còn giúp UX533 trông gọn gàng hơn về ngoại hình với kích thước tương đương một chiếc laptop 14 inch. Đồng thời, toàn bộ phần vỏ máy được làm bằng chất liệu hợp kim đạt chuẩn quân sự MIL-STD-810G đắt tiền giúp máy vừa có được độ cứng cáp vừa phải vừa phải vừa có trọng lượng nhẹ, chỉ khoảng 1,59 kg.
Nếu như các phiên bản Zenbook trước đây nói riêng hoặc các dòng Ultrabook mỏng nhẹ nói chung có đôi chút ọp ẹp nhỏ và khá mỏng manh khi cầm 1 tay, thì với UX533 mới cảm giác đó của mình đã không còn nữa.
Trải nghiệm gõ phím nhanh, touchpad chất lượng
Bàn phím chính là điểm cộng tiếp theo trên UX533 xếp sau thiết kế màn hình, hai khu vực người dùng tiếp xúc nhiều nhất khi dùng laptop. Mặc dù là một chiếc máy tính xách tay có độ mỏng chỉ khoảng 17.9mm, Asus vẫn trang bị hệ thống bàn phím với hành trình 1.4mm vô cùng lý tưởng để mang lại tốc độ soạn văn bản nhanh và phản hồi chính xác, kích thước phím lớn cùng phông chữ đơn giản dễ nhìn.
Và do phiên bản kích thước lớn nhất nên UX533 cũng được tích hợp luôn khu vực bàn phím số để đáp ứng nhu cầu nhập liệu nhanh cho dân văn phòng, đặc biệt là xử lý với những dữ liệu Excel rất nhiều con số.
Hiện tượng flex cũng rất ít khi mình phải dùng một lực khá mạnh nhấn xuống bàn phím, mặc dù không có người dùng nào lại gõ phím mạnh đến nỗi xảy ra hiện tượng này. Đèn nền LED tông màu trắng xanh dịu mắt hỗ trợ thao tác trong ban đêm là trang bị tiêu chuẩn.
Với thế hệ Zenbook mới và cụ thể hơn là hai phiên bản Zenbook 13 và Zenbook 14, điểm nhấn nổi bật đến từ hệ thống bàn phím ảo NumberPad tích hợp trên bàn rê cảm ứng (touchpad), cho phép chuyển đổi qua lại rất nhanh chỉ bằng một thao tác chạm. Tuy nhiên, cá nhân mình đánh giá hệ thống bàn phím số vật lý truyền thống vẫn cho nhu cầu sử dụng thực tiễn tốt hơn và thao tác nhanh hơn.
Ngoài ra, một chi tiết khác liên quan đến tính thẩm mĩ chính là đường viền tông màu vàng đồng to bản ở cạnh viền trên, phía trên là họa tiết vân dạng giả loa ngoài cùng logo Asus Zenbook giúp nội thất bên trong không bị nhàm chán, và cả ba phiên bản Zenbook 13/14/15 đều sở hữu yếu tố này.
Bản lề ErgoLift đa dụng
Tương tự như màn hình, hệ thống bàn phím không chỉ đơn thuần là cho bạn cảm giác gõ tốt mà còn nhờ vào một yếu tố khác bạn chỉ cảm nhận được tính hiệu quả của nó mang lại trong thời gian dài, đó là bản lề thông minh ErgoLift. Bằng việc tạo góc nghiêng phần thân máy khoảng 3 độ so với mặt phẳng, cộng với khu vực chiếu nghỉ tay lớn giúp cổ tay bạn không bị mỏi khi ngồi gõ phím liên tục, như khi bạn gõ trên bàn phím rời có bật hai chân nhựa tạo độ nghiêng bên dưới.
Bản lề cũng cho cảm giác gập khi đóng và mở rất tốt, không hề có hiện tượng lỏng lẻo và hoàn toàn mở dễ dàng chỉ bằng 1 ngón tay.
Khả năng kết nối đầy đủ
Nếu như bạn phải dùng thêm phụ kiện rời để mở rộng thêm các cổng kết nối đã bị các nhà sản xuất lược bỏ bớt nhằm rút gọn về độ mỏng của máy, thì Asus vẫn giữ nguyên trên UX533 bao gồm: 1 x USB 3.1 Type-A, 1 x USB 3.0 Type-A, HDMI, cổng USB 3.1 Gen 2 chuẩn Type-C cho tốc độ băng thông tối đa 10Gbps kiêm tính năng Display Port để xuất tín hiệu hình ảnh, cổng 3.5mm và cuối cùng là khe cắm thẻ nhớ SD trong khi hai phiên bản Zenbook 13 và Zenbook 14 sẽ dùng cổng microSD.
Tuy nhiên, nhược điểm không phải không có khi cổng Type-C lại không được tích hợp tính năng Thunderbolt 3, hai cổng USB Type-A không có tính năng Power Delivery (PD) để hỗ trợ sạc nhanh các thiết bị di động khi kết nối.
Sức mạnh phần cứng
Hiệu năng sử dụng và thời lượng dùng pin chính là yếu tố quyết định 50% còn lại trên một chiếc laptop mỏng nhẹ. Với mức giá khởi điểm từ 26 triệu đồng, phiên bản mình trên tay được trang bị chip xử lý Intel Core i5-8250U thế hệ 8 mới nhất thuộc dòng tiết kiệm điện (4 nhân 8 luồng, xung nhịp 1.6GHz và cho mức xung cao nhất 3.4GHz), 8GB RAM chuẩn DDR4 hàn chết trên bo mạch, card đồ họa rời NVIDIA GeForce GTX 1050 chuẩn Max-Q với 4GB VRAM GDDR5 cùng card đồ họa tích hợp Intel UHD 620, ổ SSD 256GB M.2 PCIe 3.0×2 NVMe và Windows 10 bản quyền tích hợp sẵn.
Với nhu cầu làm việc có phần nặng nề như mình qua các tác vụ thông thường hằng ngày gồm: lướt web bằng trình duyệt Yandex và mở khoảng 12 tab để vừa xem tin, xem video trên YouTube, Facebook, Twitter, check Gmail,…. và vừa soạn thảo văn bản bằng Word 2016, UX533 vẫn chạy rất mượt mà khi chia đôi hai màn hình và chuyển đổi qua lại, nhiệt độ cao nhất của khu vực CPU và GPU đều ở mức trung bình khoảng 60 độ C cũng như nhiệt độ của ổ SSD chỉ dừng lại ở mức khoảng 36 độ C. Và khi khởi chạy thêm công cụ Photoshop CC 2017 để chỉnh sửa ảnh định dạng .JPEG khoảng 35 tấm thì nhiệt độ của CPU và GPU lúc này trung bình khoảng 65 độ C và 56 độ C cũng như ổ SSD sẽ khoảng 37 độ C, tuy nhiên tốc độ hoạt động vẫn rất ổn định không hề có hiện tượng giật lag nào. Cá nhân mình đánh giá nhiệt độ tỏa ra trên Zenbook khi dùng rất nhiều tác vụ như trên là hoàn toàn bình thường và hợp lý cho một chiếc laptop mỏng chỉ khoảng 17,6mm.
Còn khi dùng công cụ Adobe Premier CC Pro 2017 để biên tập và dựng video độ phân giải FullHD 60fps và độ dài khoảng 7 phút, hiệu ứng chỉnh sửa video cũng chỉ ở mức cơ bản thì nhiệt độ của CPU và GPU tăng lên ở mức trung bình khoảng trên 80 độ C và 65 độ C, nhiệt độ của ổ SSD khoảng 36 độ C. Thời gian để render hoàn tất video thử nghiệm mất khoảng 8 phút.
Nhờ việc trang bị sẵn ổ SSD M.2 PCIe 3.0×2 NVMe tốc độ cao đối với cấu hình tiêu chuẩn nên UX533 có được thời gian khởi chạy Windows cũng như các công cụ vô cùng nhanh chóng, tiết kiệm được khối thời gian. Ngoài ra, việc tản nhiệt cũng khá hiệu quả không chỉ đến từ quạt tản nhiệt hay ống đồng bên trong mà còn nhờ bản lề ErgoLift giúp tạo khoảng hở để tăng cường không gian lấy luồng khí mát bên ngoài vào nhiều hơn.
Rồi, bây giờ mình sẽ thử chơi game trên chiếc UX533 vốn dĩ sinh ra không dành cho game thủ để xem hiệu năng gánh được tới đâu, và tựa game mình quyết định chọn để thử nghiệm chính là PUBG rất phổ biến hiện nay. Với thiết lập mức cấu hình thấp nhất trong game là Very Low, UX533 cho mức khung hình dao động khoảng 35 – 45 fps, tạm đủ để bạn giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng với rất nhiều dòng chữ và con số trên cả hai bản đồ Sanhok và Vikendi. Nhiệt độ của CPU và GPU lúc này tăng lên đáng kể lần lượt trung bình khoảng 85 độ C và 75 độ C. Rõ ràng với dân hardcore đây không phải là những con số mong muốn, bởi bản chất của UX533 nói riêng được trang bị dòng chip xử lý tiết kiệm điện chứ không phải chip hiệu năng cao như trên các dòng laptop gaming, vì vậy kết quả trên thu được cũng không lấy làm lạ.
Thời lượng pin
Được trang bị viên pin Li-Po 4 cell 73Wh, UX533 cho thời gian sử dụng lên đến 17 tiếng theo như thử nghiệm của Asus công bố, tuy nhiên với nhu cầu sử dụng thực tế thì lại khác. Bằng việc thiết lập độ sáng khoảng 75% cùng mức hiệu năng Best performance, với nhu cầu sử dụng rất nhiều tác vụ nặng nhẹ khác nhau như phần đánh giá sức mạnh phía trên, UX533 cho khả năng dùng liên tục khoảng hơn 4 tiếng với mức trung bình 10% cho mỗi tiếng. Tất nhiên, số liệu mình thống kê chỉ mang tính tham khảo vì mỗi người sẽ có cách sử dụng khác nhau nên sẽ có thời gian dùng pin nhiều hay ít.
Đánh giá chung
Có thể nói, Zenbook 15 UX533 là kết quả của sự cố gắng của nhà Asus khi biến dòng Ultrabook nói chung lẫn Zenbook nói riêng không chỉ mỏng nhẹ hơn mà còn “khỏe” hơn, xóa tan định kiến tiêu cực của phần lớn người dùng. Và với UX533, những gì cá nhân mình trải nghiệm được cũng như bạn sẽ nhận lại khi bỏ ra số tiền hơn 26 triệu đồng đó chính là “thỏa mãn”. Một thiết kế có phần cơ bản nhưng không hề đơn giản khi vừa đạt cả hai tiêu chí thời trang lẫn bền bỉ chuẩn quân đội, khả năng hiển thị tối ưu hơn, hiệu năng dư dả cho các tác vụ thông thường hằng ngày cũng như vừa đủ để giải trí nhẹ nhàng sau những giờ làm việc căng thẳng.