Đánh giá nhanh Ultrabook HP EliteBook Folio 1040
Hiệu năng cao, bảo mật mạnh mẽ, thời lượng pin dài bên trong thiết kế mỏng và nhẹ, EliteBook Folio 1040 là một lựa chọn tuyệt vời cho người dùng doanh nhân. Tuy vậy, máy vẫn có những nhược điểm nằm ở touchpad và mức giá cao.
-
So sánh 2 chiếc laptop HP Elitebook 840 G1 và Folio 9470m
-
Đánh giá nhanh laptop HP EliteBook 850 G1
-
Đánh giá nhanh Ultrabook XPS 11
-
Đánh giá nhanh Ultrabook Toshiba Kirabook
Điểm mạnh:
– Thiết kế mỏng, thời trang.
– Thời lượng pin tốt.
– Màn hình sáng.
– Nhiều tùy chọn bảo mật mạnh mẽ.
Điểm yếu:
– Touchpad không có phản hồi lực.
– Loa có chất lượng không cao.
– Thân máy hơi nóng khi hoạt động.
Với mục tiêu làm vừa lòng những người dùng cần một trải nghiệm máy tính xách tay vừa gọn nhẹ, vừa bền bỉ và bảo mật, HP đã làm mới dòng sản phẩm EliteBook Folio 1040 cho năm 2014. Ở mức giá khởi điểm 1.299 USD (27,5 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ), EliteBook Folio 1040 sở hữu thân hình bằng nhôm sắc cạnh, vi xử lý Core Haswell mạnh mẽ cùng rất nhiều ứng dụng bảo mật mạnh mẽ. Rất tiếc, EliteBook Folio 1040 vẫn còn mắc phải một điểm yếu khá khó chịu: touchpad của máy không có tiếng click phản hồi như thông thường.
Tuy vậy, ngay cả với điểm yếu này, EliteBook Folio 1040 vẫn là một trong những mẫu Ultrabook dành cho doanh nhân tốt nhất trên thị trường hiện nay. Hãy cùng đến với các đánh giá của LaptopMag về phiên bản cao cấp 1.979 USD (41,8 triệu đồng) của EliteBook Folio 1040.
Thiết kế
EliteBook Folio 1040 mang trong mình ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của dòng Book. Dù khá tinh tế nhưng EliteBook Folio 1040 vẫn toát lên một vẻ mạnh mẽ khó cưỡng. Nắp máy làm bằng chất liệu nhôm màu xám, logo HP mạ chrome được đặt tại trung tâm nắp máy. Các cạnh của máy được làm cong một cách nhẹ nhàng, và quá trình mở máy từ phía trước ra phía sau diễn ra một cách hết sức dễ dàng.
Bên trong thân máy vẫn là lớp nhôm màu xám đậm. Loa của EliteBook Folio 1040 được đặt phía trên bàn phím màu đen. Touchpad của EliteBook Folio 1040 có kích cỡ khá lớn, ở phía bên phải là cảm biến vân tay.
Cân nặng 1,54 kg của EliteBook Folio 1040 khá tương đồng với các sản phẩm laptop doanh nhân cạnh tranh khác như Lenovo ThinkPad X1 Carbon (1,43 kg); Acer TravelMate P645 (1,59 kg) và Dell Latitude E7440 (1,77 kg). EliteBook Folio 1040 (33,8 x 23,3 x 1,6 cm) lớn hơn song lại mỏng hơn ThinkPad X1 Carbon (33 x 22,6 x 1,83 cm), Dell Latitude E7440 (31 x 21 x 2 cm) và TravelMate P645 (32,7 x 23,6 x 2 cm).
Dù có các đường nét thiết kế khá tinh tế nhưng EliteBook Folio 1040 cũng không kém phần cứng cáp. Thân máy được chứng nhận tiêu chuẩn 12 MIL-STD 810G (chống rơi, chống rung, chống bụi…).
Màn hình
EliteBook Folio 1040 có màn hình Full HD 1920 x 1080 pixel, tương đương với độ phân giải trên Dell Latitude E7440 và Acer TravelMate P645, song lại không sắc nét bằng màn hình QHD 2560 x 1440 pixel của ThinkPad X1 Carbon. Các biểu tượng ứng dụng có độ sáng và màu sắc tốt, văn bản trên các trang web không bị vỡ nét và rất dễ đọc.
Trailer độ phân giải HD của bộ phim Guardians of the Galaxy được tái hiện với đầy đủ các chi tiết trên màn hình chất lượng cao của EliteBook Folio 1040, từ các biểu tượng khắc trên hang tối cho đến các sợi râu trên cằm của nhân vật Star Lord. Ngay cả khi nhìn từ góc lệch 80 độ (trái và phải), màu sắc của đoạn trailer màu sắc này vẫn được tái hiện rất tốt.
Với độ sáng 264 lux, EliteBook Folio 1040 vượt qua cả mức trung bình 249 lux của phân khúc laptop mỏng nhẹ. Tuy vậy, màn hình ThinkPad X1 Carbon vẫn sáng hơn với kết quả thử nghiệm lên tới 268 lux.
Bàn phím
EliteBook Folio 1040 có bàn phím màu đen sử dụng thiết kế Chiclet quen thuộc (phím hình vuông, góc bo tròn), với lớp bọc vân mềm. Cảm giác đặt tay lên phím rất dễ chịu, song độ sâu của phím lại không được tốt như mong đợi. Dù sao, tốc độ gõ phím trong thử nghiệm của LaptopMag đã lên tới 78 từ/phút, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 65 từ/phút.
Bàn phím của EliteBook Folio 1040 có đèn nền màu xanh đủ dùng trong các điều kiện thiếu sáng, mặc dù ánh sáng tại bộ phận phím cách trống không được đều.
Touchpad
EliteBook Folio 1040 là chiếc laptop đầu tiên sử dụng công nghệ ForcePad mới của Synaptics: thay vì sử dụng các phím vật lý của chuột, ForcePad có khả năng cảm biến lực nhấn. Theo LaptopMag, người dùng có thể thực hiện gần như tất cả các tính năng của touchpad thông thường trên ForcePad, song trải nghiệm này vẫn là tương đối khó chịu.
Cử chỉ gõ tay xuống ForcePad sẽ được EliteBook Folio 1040 nhận diện là click chuột trái, trong khi chạm nhẹ vào phần phía dưới, bên phải của ForcePad sẽ được nhận diện là click chuột phải. Để bôi đen một đoạn chữ, người dùng có thể nhấn và giữ ngón trỏ trong khi sử dụng ngón giữa để di chuyển chuột. Tuy vậy, chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu vì ForcePad không có phản hồi lực khi nhấn chuột (do đó tay của bạn sẽ không cảm nhận được rằng chuột trái/phải đã được nhấn). Việc di chuyển trên một bề mặt cứng, hoàn toàn không có lực phản hồi như ForcePad là khá khó chịu.
Bù lại, ForcePad tỏ ra khá nhạy khi thực hiện các tác vụ cảm ứng đa điểm thông thường, ví dụ như kéo-để-zoom. Để thực hiện kéo thả, bạn sẽ phải giữ tay trên touchpad và kéo bằng một ngón tay.
Bạn có thể tùy biến trải nghiệm ForcePad của mình trên menu Settings (Cài đặt). Trong menu này, bạn có thể bật hoặc tắt các tính năng như xoay bằng 2 ngón hoặc trượt tay 3 ngón để xem ảnh.
Rất tiếc, HP không cung cấp cho EliteBook Folio 1040 pointing stick như rất nhiều các mẫu laptop doanh nhân khác có mặt trên thị trường.
Loa
Chất lượng loa ngoài trên EliteBook Folio 1040 khá kém cỏi. Các âm cao và dàn kèn trong bản nhạc Swan Lake của Tchaikovsky bị mờ tiếng, và ở âm lượng cao, bộ loa của EliteBook Folio 1040 thậm chí còn phát ra tiếng rung rất khó chịu.
EliteBook Folio 1040 không được trang bị công nghệ Beats Audio như những chiếc laptop nhắm vào người tiêu dùng của HP. Thay vào đó, EliteBook Folio 1040 mang công nghệ âm thanh DTS Studio Sound, song bảng điều khiển của DTS Studio Sound vẫn giống hệt với giao diện điều khiển Beats Audio thông thường.
Khi đo âm lượng từ khoảng cách 60cm, EliteBook Folio 1040 đạt mức 79 decibel, thấp hơn một chút so với Latitude E7440 và ThinkPad X1 Carbon (cùng đạt 82 db) cũng như TravelMate P645. Cả 2 model này đều thấp hơn mức trung bình 84 decibel của phân khúc laptop mỏng, nhẹ.
Tản nhiệt
Do có thân hình khá mỏng nên EliteBook Folio 1040 tản nhiệt không được tốt. Sau khi xem video Hulu trong vòng 15 phút, thân dưới của máy có nhiệt độ lên tới 38,6 độ C, vượt qua mức có thể gây khó chịu cho người dùng (35 độ C). Hàng phím giữa chỉ chạm mốc 32,5 độ C, trong khi touchpad đạt mức 29,4 độ C.
Kết nối
Phía bên phải của EliteBook Folio 1040 là một cổng USB 3.0, một cổng DisplayPort cỡ lớn, cổng headphone kết hợp microphone, khe cắm SIM mini và cổng kết nối dock. Phía bên trái của máy là khe cắm thẻ microSD, đầu đọc Smart Card và một cổng USB 3.0 khác.
Để tạo ra thiết kế siêu mỏng cho EliteBook Folio 1040, HP đã loại bỏ cổng Ethernet và VGA, vốn là 2 loại cổng mà người dùng doanh nhân có thể cần sử dụng. Bạn sẽ phải kết nối thêm adapter để có thể kết nối mạng LAN hoặc để kết nối với màn hình/máy chiếu loại cũ.
Webcam
Webcam của EliteBook Folio 1040 đi kèm với ứng dụng CyberLink YouCam, cho phép bạn có thể chụp ảnh và quay video. Phần mềm này cho phép bạn chỉnh sửa ảnh và cũng có thể quay video trên các độ phân giải từ 640 x 480 pixel đến 1280 x 720 pixel.
Ảnh chụp trên webcam của EliteBook Folio 1040 cho kết quả khá tuyệt vời. Màu da và chiếc áo màu xanh của biên tập viên LaptopMag được tái hiện khá sống động, song các chi tiết nhỏ, ví dụ như đường nét trên khuôn mặt lại hơi bị mờ.
Hiệu năng
Phiên bản thử nghiệm sử dụng vi xử lý Intel Core i7-4650U, 8GB RAM và ổ thể rắn 256GB cho kết quả benchmark rất tốt. Điểm số của EliteBook Folio 1040 trên PCMark 7 là 4.802, cao hơn nhiều so với mức trung bình 3.668 của phân khúc laptop mỏng, nhẹ. Điểm số của EliteBook Folio 1040 cũng vượt qua ThinkPad X1 Carbon (4.734 với vi xử lý Core i5-4200) và Latitude E7440 (4.544 với vi xử lý Core i5-4300U), song lại thua kém TravelMate P645 (4.886, vi xử lý Core i7-4500U).
Nhờ có ổ cứng SSD, EliteBook Folio 1040 khởi động Windows 7 chỉ trong vòng 15 giây và cũng chỉ mất 37 giây để copy 5GB dữ liệu. Tốc độ này tương đương với 137,5 MB/giây, cao gần gấp đôi mức trung bình 75 MB/giây. Cả ThinkPad X1 Carbon (88 MB/giây) và Latitude E7440 (130 MB/giây) đều có tốc độ ổ cứng thấp hơn EliteBook Folio 1040, song TravelMate P645 mới là sản phẩm vượt trội về ổ cứng SSD: máy đạt tốc độ copy dữ liệu lên đến 176 MB/giây.
Trong thử nghiệm OpenOffice Spreadsheet, EliteBook Folio 1040 mất 4 phút 14 giây để ghép 20.000 tên vào địa chỉ tương ứng. Như vậy, EliteBook Folio 1040 nhanh hơn mức trung bình chung tới 2 phút 30 giây; và cũng bỏ xa tất cả các sản phẩm cạnh tranh như ThinkPad X1 Carbon (5 phút 26 giây), Latitude E7440 (4 phút 46 giây) và TravelMate P645 (4 phút 42 giây).
Đồ họa
Với GPU Intel HD Graphics 5000, EliteBook Folio 1040 cho kết quả gần như tốt nhất trong số các mẫu laptop sử dụng đồ họa tích hợp. Điểm số của EliteBook Folio 1040 trên 3DMark Cloud Gate đạt 4.528, thấp hơn mức trung bình 5.062, song vẫn cao hơn ThinkPad X1 Carbon (4.207) và Latitude E7440 (3.979). Nhờ có đồ họa AMD Radeon HD 8750M, TravelMate P645 đạt điểm số 5.602.
Trong trò chơi World of Warcraft, EliteBook Folio 1040 đạt 28 khung hình/giây ở độ phân giải 1080p, tùy chọn tự động. Mức này thấp hơn mức trung bình 35 khung hình/giây của phân khúc laptop cao cấp lẫn ThinkPad X1 Carbon (32 khung hình/giây) và TravelMate P645 (47 khung hình/giây). Dell Latitude chỉ đạt 23 khung hình/giây.
Ở độ phân giải 1366 x 768 pixel, EliteBook Folio 1040 cho tốc độ tốt hơn rất nhiều: 58 khung hình/giây.
Phần mềm
HP hầu như không cài đặt thêm bất kì phần mềm rác nào cho EliteBook Folio 1040. Ngoại trừ các phần mềm gia tăng bảo mật, các ứng dụng khác do HP tự phát triển được cài đặt lên EliteBook Folio 1040 bao gồm: HP Documentation (tài liệu sử dụng) và HP Support Assistant (cập nhật và hỗ trợ kĩ thuật cho thiết bị).
Ngoài ra, EliteBook Folio 1040 còn có ứng dụng CyberLink YouCam (webcam) và PowerDVD (quản lý nội dung số).
Các tính năng bảo mật
Phần mềm của Foilio 1040 cũng an toàn không kém gì so với phần cứng: HP đã trang bị cho EliteBook Folio 1040 rất nhiều ứng dụng bảo mật mạnh mẽ.
Ứng dụng HP Sure Start được HP tuyên bố là giải pháp chống tấn công BIOS đầu tiên và duy nhất trên thị trường lúc này. Sure Start sử dụng một bộ nhớ độc lập và cũng được tách biệt khỏi CPU. Nhờ đó, Sure Start có thể tự động phát hiện ra mã độc và hồi phục BIOS về trạng thái “sạch” khi cần. Sure Start cũng có file log lưu lại các thông tin hệ thống, do đó bạn có thể tìm kiếm chính xác thông tin và thời điểm của các vụ tấn công BIOS, vốn có thể gây nguy hiểm đặc biệt đối với firmware trên máy.
Phần mềm Trust Circles sẽ giúp đặt các file của bạn vào một thư mục mã hóa, nhờ đó những người dùng không được quyền truy cập sẽ không thể xem hoặc chỉnh sửa file của bạn. Quá trình sử dụng Trust Circles là khá đơn giản: bạn đặt file của mình vào một thư mục được bảo vệ, lựa chọn các thành viên cho “trust circle” (nhóm được tin cậy) của mình. Chỉ các thành viên trong nhóm này mới được xem file của bạn. Mỗi “trust circle” có thể có tối đa 5 người dùng, và bạn được quyền tạo ra 5 nhóm.
Công nghệ HP BIOSphere cho phép các nhà quản trị có thể tạo ra một bản BIOS được chuẩn hóa cho tất cả các máy cùng kết nối mạng nội bộ, thay vì phải tùy chỉnh riêng từng laptop một.
Bộ đọc vân tay của EliteBook Folio 1040 cho phép bạn lưu 2 trong số 10 ngón tay để đăng nhập. Bạn có thể dùng tính năng đọc vân tay để đăng nhập vào EliteBook Folio 1040, hoặc để đăng nhập vào các trang web được lưu trong ứng dụng HP Password Manager. Bộ đọc vân tay của EliteBook Folio 1040 được LaptopMag đánh giá là đủ nhạy trong quá trình sử dụng. Bạn có thể lưu thông tin vân tay của mình chỉ sau 3, 4 lần quét và đăng nhập chỉ với 1 lần quét duy nhất.
Thời lượng pin
Trong thử nghiệm lướt web qua Wi-Fi ở độ sáng màn hình 40%, EliteBook Folio 1040 đạt thời lượng pin 7 giờ 41 phút, cao hơn gần 1 giờ so với mức trung bình 6 giờ 44 phút. ThinkPad X1 Carbon đạt 7 giờ 15 phút và Latitude E7440 chỉ đạt 5 giờ 52 phút. TravelMate P645 có thời lượng pin ấn tượng hơn cả: 9 giờ 46 phút.
Tùy chọn cấu hình
Phiên bản được đánh giá trong bài viết có giá 1.979 USD (41,8 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ). Ở mức giá cao cấp này, chiếc EliteBook Folio 1040 của bạn sẽ được trang bị vi xử lý Core i7-4650U, 8GB RAM, ổ SSD 256GB và đồ họa Intel HD Graphics 5000.
Giá khởi điểm của EliteBook Folio 1040 chỉ là 1.299 USD (27,4 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ). Phiên bản giá khởi điểm sử dụng vi xử lý Core i5-4200U, 4GB RAM, ổ SSD 128GB và đồ họa Intel HD 4400. Phiên bản trung cấp 1.729 USD (36,5 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ) có vi xử lý Core i5-4300U, 4GB RAM, ổ thể rắn 256GB và đồ họa Intel HD Graphics 4400.
Kết luận
Với sức mạnh xử lý vượt trội và thiết kế đẹp nhưng cũng không kém phần cứng cáp, EliteBook Folio 1040 được LaptopMag bầu chọn là một trong những mẫu Ultrabook ấn tượng nhất trên thị trường hiện nay. Thân hình mang chứng nhận quân đội MIL của EliteBook Folio 1040 và bộ phần mềm bảo mật mạnh mẽ sẽ giúp đảm bảo cho cả chiếc máy tính của bạn lẫn các tài sản số quí giá bên trong. Với thời lượng pin gần 8 giờ đồng hồ, bạn có thể sử dụng EliteBook Folio 1040 trong cả một ngày làm việc hoặc trong những chuyến bay dài mà không cần lo lắng tìm ổ cắm.
Tuy vậy, EliteBook Folio 1040 không phải là một sản phẩm hoàn hảo. Thân máy hơi nóng khi thực hiện các tác vụ nặng, chưa kể chất lượng loa hơi kém và touchpad không đủ tiện dụng. Mức giá của EliteBook Folio 1040 cũng là khá cao, song nếu bạn có thể chấp nhận được trải nghiệm touchpad khá khó chịu của máy, EliteBook Folio 1040 sẽ đánh bại tất cả các lựa chọn khác với thiết kế, sức mạnh phần cứng và cả phần mềm của mình.
Lê Hoàng
Theo Laptopmag